Viet cho con

“Tôi đã bảo mua đi cho xong chuyện, sao anh còn cố thủ?”,  “Nếu cái gì cũng chiều thì sau này nó hư ai chịu? Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!”. Đây là một kịch bản không hiếm gặp tại các gia đi đình khi trẻ lên cơn mè nheo.


Có thể nói, trẻ con rất thông minh. Khí thấy cha mẹ có giấu hiệu không thống nhất trong việc dạy dỗ, đứa trẻ thường nhận ra ngay.

Từ lúc một, hai tuổi, nó đòi cái này bố không cho, liền quay sang đòi mẹ. Lẽ ra, người vợ cần phải thống nhất cách dạy dỗ với chồng nhưng có những người lại làm ngược lại để tranh thủ tình cảm của con.
Đứa trẻ được mẹ chiều sung sướng cười toe toét. Nó kiêu hãnh nhìn bố ra vẻ không cần. Lớn lên chút nữa, nó càng biết “khai thác” sự không thống nhất của cha mẹ.

Khi cả hai bố mẹ đều kiên quyết không đáp ứng một yêu cầu nào đó của con, nó liền sử dụng thứ “vũ khí” rất lợi hại là giận dỗi, cao hơn là… bỏ cơm.
Đây là cách nó thử thần kinh bố mẹ. Nếu một trong hai người có vẻ “xuống thang”, nó sẽ lợi dụng tấn công ngay để đạt tới thắng lợi. Qua đó có thể thấy, muốn giáo dục được con, cha mẹ phải đoàn kết, nhất trí.
Khi nhà có ông bà thì ông bà cũng phải dạy cháu giống bố mẹ đứa bé. Nếu ông hay bà chiều cháu thì bố mẹ cũng sẽ không dạy được con.
Hậu quả khôn lường

Một thí dụ đơn giản như khi mẹ đi làm về, vừa dựng xong cái xe, đứa con lên hai tuổi sà vào lòng đòi bế. Người mẹ đang mệt, người bẩn vì bụi bậm, mồ hôi nên bảo con để mẹ nghỉ ngơi, rửa ráy đã. Đứa trẻ không nghe, nói đòi bằng được mẹ bế, buộc mẹ phải lập tức đáp ứng nhu cầu, nếu không nó nằm lăn ra, giãy đành đạch ăn vạ.

Một đứa trẻ chỉ biết thỏa mãn nó, không biết thương ai, chắc chắn sẽ hư, lớn lên sẽ thành đứa con ích kỷ. Kẻ tồi tệ nhất trong xã hội là kẻ không biết thương ai khác, kể cả cha mẹ mình. Cho nên cha mẹ phải cùng cương quyết mới dạy được con. Nếu nói không được, con cứ lăn ra ăn vạ, hãy để mặc nó nằm đấy kêu khóc, chán phải nín.

Dù thương con cũng phải dạy con biết quan tâm đến ý muốn người khác và hiểu rằng “ăn vạ” không phải phương pháp “tối ưu” để đạt tới mục đích. Nếu một người phạt con, người kia lại tha thứ thì sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Phần lớn trẻ con hay đòi hỏi và làm theo những gì nó thích, bất kể cha mẹ có thích hay không. Nếu để đòi gì được nấy, đứa trẻ sẽ không có “điểm dừng” và bắt đầu hư từ đó.

Nó sẽ không còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình mà trở thành “cái nợ” luôn đòi hỏi những điều ngày càng ngang ngược. Có đứa trẻ đang ăn ném thìa không ăn nữa, đòi đi chơi. Đi qua phố thấy cái gì lạ mắt, nó lại đòi mua bằng được. Muốn dạy dỗ đứa trẻ đó, cha mẹ phải trao đổi trước với nhau.

Nếu một trong hai người tỏ ra mềm yếu, nhu nhược, nó sẽ “tấn công” vào người này để “chiến thắng” người kia. Và đôi khi nguyên nhân của những cuộc khẩu chiến của người lớn cũng từ đó mà ra.

Dạy con- phải học!
Nói chung việc chiều con bao giờ cũng dễ hơn việc dạy con. Chẳng hạn, con đòi bế, dù đang mệt hay đang giở việc gì, chỉ cần bế nó một lúc là xong, đứa trẻ “thắng lợi” cười khanh khách.
Nhưng để dạy nó biết thương mẹ, biết mẹ đi làm về cần được nghỉ ngơi, phải mất thời gian và công sức hơn nhiều.

Ở nhiều nước phát triển hiện nay, người ta coi việc dạy con là một nghệ thuật. Không phải cứ có con là tự khắc biết dạy mà phải học qua sách báo, qua các lớp học ngắn hạn.
Đến khi trở thành ông bà lại phải học cách dạy cháu, nếu không sẽ làm hỏng cháu và làm khổ bố mẹ nó.

Người ta nhận thấy ở những gia đình vợ chồng thương yêu, hòa hợp với nhau thì sự phối hợp nhịp nhàng để dạy con bao giờ cũng thuận lợi hơn những gia đình vợ chồng lục đục hoặc người này luôn tự phụ cho là mình đúng, người kia dốt nát không biết gì.
Khi người này luôn muốn dạy con ngược lại với người kia để tỏ ý bất hợp tác với nhau thì đứa trẻ sẽ trở thành nạn nhân của sự bất hòa.
Có thể cả hai cha mẹ đều là người tốt, có trình độ cao nhưng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì con vẫn hư và người phải gánh chịu trước nhất hậu quả của sự hư hỏng đó chính là cha mẹ.

No comments:

Post a Comment